• Slide 1
  • Slide 2
  • Slide 3
  • slide 4
Tin tức » Những lợi ích của đồ chơi khi bé tiếp xúc

Trẻ con nào cũng thích chơi, thích vòi vĩnh mẹ mua đồ chơi mới, thích bày bừa tất cả số đồ chơi mình có ra nhà, và dường như thích chơi hơn học. Bạn bực quá là bực, đến nỗi đã “thề với lòng” sẽ cất hết đồ chơi đi không cho con chơi nữa. Những lúc như vậy, hãy nhớ lại câu hỏi “Đồ chơi và trò chơi quan trọng thế nào đối với sự phát triển của trẻ nhỏ?”

Đồ chơi là niềm vui nho nhỏ thân quen, là kho báu, niềm ao ước, tự hào… của hầu như mọi đứa trẻ trên thế giới (vậy nên mới có chuyện chành chọe nhau giành đồ chơi xảy ra như cơm bữa). Trẻ em cần nơi, cần chỗ để bày tỏ suy nghĩ và tình cảm của mình. Và đồ chơi quả là một nguồn lý tưởng để chúng có thể dễ dàng thể hiện, chơi cùng, nổi giận, thậm chí ném đi bừa bãi.

mam 6 con

Nếu như phần lớn những món đồ chơi được coi là những “dụng cụ học tập” đầu đời thì giờ chơi là lúc trẻ làm quen với thế giới, học cách ứng xử, đón nhận và xử lý thông tin. Nghiên cứu đã chứng minh rằng tất cả mọi sự phát triển đều được tăng cường thông qua hành vi chơi đùa của trẻ, từ những tháng đầu đời cho tới tận khi đã đi học. Và trong đó, mỗi món đồ chơi, mỗi trò chơi lại có những tác động khác nhau.

  • Phát triển năng lực nhận thức

Có những món đồ chơi trông thì rất đơn giản nhưng lại có thể khiến con buộc phải suy nghĩ và hình thành nên những mối liên kết. Tùy theo độ tuổi và giới tính của con mà đó có thể là búp bê, những món đồ chơi vải mềm, ô tô, bộ xếp hình, mô hình… Chơi với một bộ khối hình chẳng hạn, bé sẽ dần dần tự rút ra được cho mình những kết luận quan trọng như khối tròn lăn được còn khối vuông thì không; hay từ vài em búp bê và thú bông, bé có thể cùng bạn chơi đồ hàng, chơi trò cô giáo… Như vậy, đồ chơi đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển năng lực trí tuệ của bé, chuẩn bị cho cuộc sống sau này.

  • Khơi gợi khả năng sáng tạo:

Bên cạnh phát triển kỹ năng nhận thức cho trẻ nhỏ, đồ chơi còn tạo nên những thử thách trí tuệ – dù những thử thách này ban đầu dường như chẳng giúp được gì nhiều cho con, nhưng bạn sẽ thấy tác động của nó về sau này, khi con bắt đầu đi học. Bạn cứ thử quan sát con chơi với những mẩu Lego chẳng hạn: ban đầu, con chỉ biết xếp chúng chồng lên nhau, nhưng sau đó bé sẽ có thể tạo nên rất nhiều hình thù khác nhau. Khả năng tưởng tượng và sáng tạo của bé đã khác hẳn đi đấy chứ.

  • Phát triển hệ vận động

Sự phát triển thể chất của con phụ thuộc nhiều vào hệ vận động. Những trò chơi như ghép hình, dựng mô hình, hay chỉ đơn giản như chơi đất nặn sẽ giúp cân bằng sự phát triển nhận thức và vận động. Trong khi đầu óc sáng tạo nên những mô hình khác nhau, thì tay chân – hay nói cho đúng hơn là khả năng vận động tinh của con – cũng sẽ được rèn luyện để phát triển hơn. Còn những trò chơi khác như đá bóng, chạy, nhảy dây… thì lại là những bài tập cần thiết cho khả năng vận động thô.

  • Phát triển kỹ năng

Cung cấp đúng loại đồ chơi cho bé ở đúng lứa tuổi sẽ giúp cung cấp cả những kỹ năng cứng lẫn mềm – những hạt giống đầu tiên nhưng có thể nói là quan trọng nhất đối với sự phát triển tinh thần của bé. Đó là những kỹ năng ngôn ngữ, bày tỏ cảm xúc, kỹ năng hoạt động xã hội… Trong khi trẻ em giao tiếp với các bạn, chúng sẽ phát triển những kỹ năng này; và sau đó, cao hơn, chúng sẽ học cách thừa nhận thất bại, ăn mừng chiến thắng, chấp nhận thử thách… những điều vô cùng cần thiết cho cuộc sống trong tương lai.

==> Tham khảo thêm: Một trong những điều cơ bản giúp bé phát triển một cách toàn diện

Tin liên quan